Sau trào lưu bánh mì thanh long tạo hiệu ứng vang dội khắp trong ngoài nước, mới đây một số đầu bếp ở TP.HCM lại sáng tác thêm nhiều món ngon từ hoa thanh long.
Song khác ở chỗ, một đằng khởi nguồn từ động lực giải cứu nông sản một đằng lại muốn truyền cảm hứng mới. Đầu bếp Lê Hoàng Kha, ở quận 7, TP.HCM hào hứng gọi điện hỏi người viết: “Anh từng ăn bông “bá vương” chưa? Ngon lạ bất ngờ lắm!”
Cảm hứng từ món canh ‘hoa bá vương’
Gọi điện hỏi vài người bạn rành món hoa ở TP.HCM, cũng chẳng góp nhặt được gì về bông “bá vương” cả. Thời may, tìm thấy trên trang cá nhân của ông Lưu Khâm Hưng, có kể câu chuyện thú vị về loại hoa này.
“Tối nay đi ăn về, nhà hàng cho uống canh bông bá vương, về đến nhà lục lọi lung tung trên mạng. Mạng Việt Nam không có, mạng Trung Quốc có: Đó là loài hoa của một giống xương rồng (仙人掌 Tiên Nhân Chưởng). Có nguồn gốc từ Mexico, trồng nhiều ở Quảng Tây, Quảng Châu, Triệu Khánh, Phật Sơn, Lĩnh Nam và các nơi khác trong vùng Đông Nam Á…”
Gặp ông Nguyễn Huy Cường cùng nhóm bạn của ông ở Bình Thuận, chuyên cung cấp mặt hàng hoa thanh long sấy cho thị trường Trung Quốc. Ông Cường hóm hỉnh giải thích: “Nó đó! Vi diệu lắm! Chủ yếu họ nhập về để ăn lẩu hoặc canh”.
“Họ dùng bông bá vương khô nấu với chân gà và xương heo thật lâu cho đủ hỏa hầu, món canh rất bổ, thanh nhiệt giải độc, tốt cho những người hay hút thuốc”, ông Khâm Hưng kể về món canh “bá vương hoa” từng ăn ở một nhà hàng Trung Quốc tại Úc. Loại canh này, phải hầm lửa nhỏ suốt 2 – 3 giờ.
Đồng thời, ông Khâm Hưng cũng nhận định khách quan hơn: “Có thể cây bá vương, cây thanh long, cây quỳnh cùng một họ thực vật nhưng có những khác biệt đôi chút về hoa và trái.”
Còn theo đầu bếp Kha, không chỉ dùng để nấu lẩu hoặc canh, loại hoa nở về đêm kia có thể sáng tác thành cả chục món ngon, lạ khác nhau. Nói là làm, nhóm bếp Long Kha cùng ông Cường bỏ ra gần bốn ngày để lên thực đơn và xắn tay vào chế biến.
Bữa tiệc hoa thanh long
Tôi được mời dùng thử 5 món. Trong đó, đặc biệt ấn tượng với món hoa thanh long kho tiêu cùng nấm mỡ. Nó ngon ở sự đơn giản mà hài hòa hương vị. Từng cọng rau hoa giòn thơm và đậm đà, nhờ có ít giọt nước mắm chay hỗ trợ. Còn, những lát nấm mỡ béo ngọt tự nhiên thì nâng đỡ cho nguyên liệu chính thêm hấp dẫn.
Thừa thắng xông lên, nhóm mê món lạ của chúng tôi lại tiếp tục “ghép đôi” mớ rau hoa thanh long với nồi lẩu hải sản khổ qua. Thu hoạch khá thú vị.
Trông chùm bông thanh long treo toòng teng trên đầu đũa ướt sũng, phần da ngoài xanh lam, bên trong trắng hồng – phơi bày chi chít những nhụy hoa trinh nguyên – khá giống với hoạt cảnh bầy vịt trời con đang giũ lông tắm rửa.
Đặc biệt, chúng có mùi ngai ngái hoang dại của: rau sam, rau muống non, đọt mồng tơi. Cánh bông mềm dẻo, thân bông giòn sần sật. Phần vỏ xanh ngoài cùng hơi nhơn nhớt tựa như đọt mồng tơi. Ưu điểm của loại rau mới này là “chịu nhiệt”, không bở, không teo dù nằm lâu trong nước sôi.
Thế nên, nó sẽ rất thích hợp với các món tiềm hoặc hầm. Ví dụ: gà ta tiềm ớt hiểm, đuôi bò hoặc thịt dê hầm thuốc bắc.
Bà Huỳnh Thị Thu Sương chủ vườn thanh long rộng 1ha ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, cho biết đó là những búp hoa thanh long được cắt tỉa bớt, để “dây” thanh long nuôi trái tốt hơn. Thay vì nhà vườn tỉa bỏ chúng lúc nụ hoa lớn cỡ ngón tay cái thì họ giữ lại dưỡng chúng lớn tiếp.
Đợi búp hoa còn khoảng 1-2 ngày nữa sẽ trổ bông, họ mới cắt mang bán cho các điểm thu mua ở Bình Thuận, dùng làm bông thanh long sấy khô.
Như vậy, ở góc độ tiêu thụ nông sản, rau búp bông thanh long sấy khô không chỉ tạo cảm hứng mới cho các đầu bếp mà còn gợi mở về khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu phụ tươi nguyên, biến chúng thành món hàng mới, nhằm gia tăng nguồn thu nhập cho nhà nông.
Hay nói như bếp trưởng nhà hàng hai sao Michelin Sougo (năm 2009) ở Tokyo, Nhật Bản – ông Daisuke Nomura: “Để tồn tại, chúng ta lấy đi sự sống của những thứ khác, vì vậy chúng ta không được phép lãng phí chúng.”
Nguồn: doanhnhanplus.vn